Bước ngoặt Midway và Guadalcanal Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Trận Midway

Bài chi tiết: Trận Midway
Hiryū đang bốc cháy dữ dội và chuẩn bị chìm sau khi chịu đợt oanh kích của các máy bay Mỹ

Đảo Midway là một đảo san hô nằm ở phía bắc Thái Bình Dương và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng vì nằm giữa con đường hàng hải Thái Bình Dương từ Hoa Kỳ sang Châu Á. Theo kế hoạch của đô đốc Yamamoto Isoroku, cuộc tấn công của người Nhật vào Midway, kết hợp với một cuộc tấn công khác tại quần đảo AleutianAlaska, nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông còn muốn tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ mà quan trọng nhất là các hàng không mẫu hạm đang ngày càng trở thành mối đe dọa với Nhật.

Toàn bộ lực lượng hải quân Nhật được huy động vào việc đánh chiếm Aleutian và Midway có đến 8 hàng không mẫu hạm, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm, 21 tàu ngầm và 83 tàu phục vụ chiến đấu.[97] Tổng số máy bay tham gia trong Lực lượng đột kích của Nagumo là 261 chiếc bao gồm 84 máy bay ném bom bổ nhào, 93 máy bay phóng ngư lôi và 84 chiến đấu cơ Zero. Đây là đợt ra quân lớn nhất của hải quân đế quốc Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.[98]

Trong khi đó, nhờ tiếp tục giải mã được công điện của hải quân Nhật, đô đốc Nimitz và bộ tham mưu của ông đã đoán định chính xác toàn bộ kế hoạch đánh chiếm Midway của người Nhật. Ngày 20 tháng 5, ông đã đến Midway để xem xét việc bố phòng và tăng cường thêm máy bay cho đảo. Tại Trân Châu cảng, Lực lượng đặc nhiệm 16 của chuẩn đô đốc Raymond A.Spruance chỉ huy gồm 2 hàng không mẫu hạm EnterpriseHornet, 6 tuần dương hạm và 11 khu trục hạm bắt đầu rời căn cứ ngày 29 tháng 5 hướng về Midway. Sau đó, Nimitz còn cho gọi thêm Lực lượng đặc nhiệm 17 của chuẩn đô đốc Fletcher gồm hàng không mẫu hạm USS Yorktown, 2 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm từ vùng biển Coral trở về nhận nhiệm vụ mới.[99]

6 giờ sáng ngày 3 tháng 6, máy bay trinh sát PBY Catalina đã phát hiện ra hạm đội Nhật đang trên đường đến Midway. Sáng ngày 4 tháng 6, phó đô đốc Chuichi Nagumo cho 108 máy bay xuất kích tấn công Midway. Nhưng do đã chuẩn bị trước, các máy bay Mỹ đều kịp thời cất cánh để chống trả khiến quân Nhật không đạt được kết quả như mong muốn.[100] Sau đó, các máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm bắt đầu tấn công hạm đội Nhật nhưng cả ba đợt tấn công bằng máy bay ném ngư lôi đều bị đập tan, 35 trong tổng số 41 máy bay phóng ngư lôi và 6 chiến đấu cơ đã bị các chiến đấu cơ Zero của Nhật bắn hạ. Phía Nhật vì thế dự đoán phía Mỹ sẽ không thể tấn công nữa mà còn phải củng cố lực lượng.

Vào lúc 10 giờ, Nagumo hạ lệnh chuẩn bị tấn công. Các máy bay phóng ngư lôi được đưa lên sàn tàu trước, các chiến đấu cơ xếp phía sau và được khẩn trương tiếp thêm xăng dầu. Bất ngờ vào lúc ấy, một phi đội gồm 37 máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless xuất phát từ hàng không mẫu hạm Enterprise tình cờ phát hiện 4 hàng không mẫu hạm Nhật đã lao xuống tấn công. Các máy bay tiêm kích Nhật khi đó đang bận đánh chặn tốp máy bay ném ngư lôi nên không kịp ngăn chặn. Kết quả là sau 20 phút, Nagumo đã mất 3 trên 4 hàng không mẫu hạm của mình là Sōryū, KagaAkagi.

Là hàng không mẫu hạm duy nhất của Nhật còn sót lại, chiếc Hiryū do chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi chỉ huy đã nhanh chóng mở cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm Yorktown của Mỹ và gây hư hại nặng cho nó. Tuy nhiên đến chiều ngày hôm đó, Hiryū đã bị tấn công và đánh chìm bởi máy bay từ hàng không mẫu hạm Enterprise. Ngày 6 tháng 6, một chiếc tàu ngầm Nhật Bản phát hiện thấy Yorktown và khu trục hạm USS Hammann đã phóng ngư lôi đánh chìm cả hai. Trong ngày này, hải quân Nhật còn tiếp tục mất thêm một tuần dương hạm hạng nặng.[101]

Sau khi nghe tin 4 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm, ngày 5 tháng 6, Yammamoto hạ lệnh bỏ kế hoạch đánh chiếm Midway. Quân Nhật thảm bại nặng nề: 4 hàng không mẫu hạm, 1 tuần dương hạm bị đánh chìm, cộng thêm 248 máy bay. Phía Mỹ chỉ mất 1 hàng không mẫu hạm, 1 khu trục hạm và 147 máy bay.[100] Qua trận đánh này, không chỉ mất đi sức mạnh không hạm đội, người Nhật còn mất cả những phi công hải quân được huấn luyện tốt nhất.[101] Đây cũng là trận đánh đánh dấu lần thất bại đầu tiên của hải quân Nhật trong lịch sử cận đại, tin thất trận nặng nề này bị bộ chỉ huy tối cao Nhật giấu nhẹm, không cho dân chúng biết.[102] Trận Midway do đó được xem là bước ngoặt của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.

Chiến dịch Guadalcanal

Tàu sân bay Wasp bốc cháy sau khi trúng ngư lôi của tàu ngầm Nhật ngày 15 tháng 9 năm 1942.

Sau thất bại tại đảo Midway, mùa thu năm 1942, quân Nhật có ý định tiến xa hơn nữa về phía nam Thái Bình Dương, nhằm mưu toan cô lập Úc với Hoa Kỳ. Nằm về phía bắc và đông bắc Úc là đảo New Guineaquần đảo Solomon. New Guinea từ đầu chiến tranh đã bị quân Nhật chiếm được 2/3. Các sân bay tại đây cho phép máy bay Nhật vừa phong tỏa một phần lãnh hải Úc vừa cho phép họ thực hiện những cuộc oanh tạc vào cảng Darwin, miền bắc Úc.[103]

Trong khi đó, quần đảo Solomon bị người Nhật chiếm lấy vào tháng 4 năm 1942 nhưng vì ít quân nên Nhật chỉ chiếm một số đảo. Còn hải quân Nhật thì đóng tại Rabaul, nằm trên đảo New Britain.[103] Sau đó, quân Nhật chọn đảo Guadalcanal, nằm ở đông nam Solomon làm căn cứ tiền phương và xây dựng sân bay ở phía bắc đảo. Vì chủ quan, người Nhật tỏ ra không vội vàng trong việc hoàn thành xây dựng.[104] Trong khi đó, tại Melbourne, bộ tư lệnh của tướng Douglas MacArthur chịu trách nhiệm khu vực tây nam Thái Bình Dương đã soạn thảo xong kế hoạch phản công theo đó dự tính sẽ phản công quân Nhật theo ba bước.

Ngày 7 tháng 8, chiến dịch phản công trên bộ đầu tiên của quân Đồng Minh ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương bắt đầu khi Hoa Kỳ tung Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của họ với quân số khoảng 17.000 quân vào cuộc chiến ở quần đảo Solomon gồm 11.000 quân đổ bộ lên đảo Guadalcanal và 6.000 quân lên đảo Tulagi.[105] Nhưng đêm hôm đó, phó đô đốc Gunichi Mikawa đã đem một hạm đội đánh chìm 4 tuần dương hạm Hoa Kỳ trong trận chiến đảo Savo khiến cho hạm đội Hoa Kỳ bỏ chạy mang theo cả số lương thực và quân trang chưa đổ bộ. Bộ tổng tham mưu Nhật Bản gửi đến Rabaul lực lượng phản kích gồm 6.000 quân. Lục quân Đế quốc Nhật Bản sẽ được yểm trợ bằng các đơn vị hải quân của Hạm đội Liên hợp, dưới quyền đô đốc Isoroku Yamamoto, với tổng hành dinh đặt tại Truk. Đến tháng 10, lực lượng quân Nhật trên đảo đã lên đến 36.000 người nhưng do quan điểm chiến thuật tấn công sai lầm của các sĩ quan Nhật làm quân Nhật tổn thất nặng nề trước hỏa lực dữ dội đáp trả từ Thủy Quân Lục Chiến, khiến cho họ không đủ sức áp đảo quân Mỹ và giành lại sân bay.[106] Từ tháng 8 đến tháng 11, quân Nhật đã mở 3 trận chiến lớn trên bộ nhằm chiếm sân bay Henderson nhưng đều bị Thủy Quân Lục Chiến đánh bại.

Trong khi đó, để tăng viện cho lực lượng bộ binh đang giao tranh, quân Nhật đã tổ chức các đoàn chuyển vận mà quân Đồng Minh gọi là "Tokyo Express", dẫn đến những cuộc hải chiến vào ban đêm với hải quân Đồng Minh. Tổng cộng đã có 6 trận hải chiến lớn diễn ra và kết thúc vào tháng 12 khi hải quân Nhật thất bại trong trận hải chiến Guadalcanal, đồng nghĩa với nỗ lực chuyển quân cuối cùng của người Nhật cũng tan tành.

Kể từ đó, quân Nhật tại Guadalcanal do việc tiếp tế khó khăn đã luôn ở trong tình trạng đói khát, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành nên mất hết sức chiến đấu.[107] Trong khi đó, Hải quân Mỹ không ngừng đổ bộ thêm quân tăng viện lên đảo và đến tháng 1 năm 1943, số quân Mỹ có mặt trên đảo đã lên đến hơn 50.000 người gồm Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 và 2 cùng với Sư đoàn 23 và 25 Lục quân.[106] Ngày 31 tháng 12, trong Hội nghị ngự tiền, Bộ tư lệnh Nhật Bản đã quyết định lệnh rút lui khỏi Guadalcanal. Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1943, 10.630 lính Nhật đã thực hiện cuộc rút lui khỏi đảo. Ngày 9 tháng 2, Hoa Kỳ tuyên bố kết thúc chiến sự tại đây.

Như vậy, chiến cuộc giành giật đảo Guadalcanal đã chấm dứt với thảm bại của quân đội Nhật. 24.000 lính Nhật chết từ đầu chiến dịch cho đến lúc rút quân, trong khi Hoa Kỳ có 1.600 người chết, 4.200 người bị thương, cùng hàng ngàn người chết do bệnh sốt rét và các hiểm họa khác trong rừng nhiệt đới.[106] Về hải quân, cả hai đều tổn thất ngang nhau: hải quân Nhật mất 2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 1 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, 11 khu trục hạm và 6 tàu ngầm, trong khi hải quân Hoa Kỳ mất 8 tuần dương hạm, 2 hàng không mẫu hạm và 14 khu trục hạm. Ngoài ra, hải quân Nhật Bản còn tổn thất 893 máy bay và 2.362 phi công tài ba, những người đã được tôi rèn trong các chiến thắng từ Trân Châu Cảng đến Ấn Độ Dương.[108] Sau trận đánh này, gió hoàn toàn đã xoay chiều, Đồng Minh bước vào giai đoạn phản công ồ ạt.[109]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...